Theo như ông bà xưa thì khi mang thai, nếu mẹ mang bầu là con trai thì nên ăn 7 trứng ngỗng còn nếu là con gái thì phải ăn 9 trứng thì sau khi sinh ra, em bé mới khỏe mạnh, thông minh hơn những đứa trẻ khác. Do đó, với hy vọng sinh được con như ý mà dù ăn trứng ngỗng trở thành nỗi ám ảnh đến tận cổ của mẹ bầu, mẹ vẫn cố ăn cho hết quả trứng.
Xét theo thành phần dinh dưỡng, trứng ngỗng có nhiều protein hơn trứng gà, khoảng 13,5%. Tuy nhiên, nếu tính đến những chất dinh dưỡng khác, trứng ngỗng lại “thua thiệt mọi mặt” so với trứng gà, nhất là hàm lượng vitamin A. Cụ thể, hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng khoảng một nửa so với trứng gà.
Trong trứng ngỗng, hàm lượng cholesterol và lipid cao hơn trứng gà, nhưng đây lại là những chất không có lợi cho sức khỏe mẹ bầu. Nếu xét riêng về thành phần dinh dưỡng, thực tế, trứng ngỗng không tốt như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Thậm chí, so với trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng còn ít dinh dưỡng và khó ăn hơn rất nhiều.
Hơn nữa, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được lợi ích của trứng ngỗng đối với sự phát triển trí thông minh của thai nhi trong bụng mẹ. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, nếu muốn bé thông minh, mẹ bầu nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu DHA, cholin, axit folic, axit béo…
Thay vì xem trứng ngỗng như một “thần dược” giúp bé thông minh, mẹ chỉ nên xem đó là một trong những nguồn cung cấp protein trong thai kỳ. Tuy nhiên, thay vì ăn trứng ngỗng, trứng gà vẫn được khuyến khích nhiều hơn.