Tam cá nguyệt đầu tiên là khoảng thời gian vô cùng quan trọng khi thai nhi bắt đầu hình thành những bộ phận quan trọng nhất. Chính vì thế, mẹ cần duy trì một chế độ dinh dưỡng an toàn và hợp lý để cả mẹ và con đều khỏe mạnh trong suốt 9 tháng 10 ngày.
3 tháng đầu thai kỳ thường là giai đoạn khá khó khăn với những phụ nữ lần đầu mang thai vì có thể bị nghén, ăn không được, ói… Trong khi đó dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể bé chưa nhiều nên mẹ chỉ cần duy trì mức năng lượng hàng ngày là đủ.
Theo khuyến cáo, trong 3 tháng đầu, bà bầu nên bổ sung thêm từ 200-300kcal mỗi ngày. Khi ăn uống mẹ chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường đồng thời nên chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (5-6 bữa) để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu chỉ nên tăng từ 1 kg tới 2,5kg. Đối với những mẹ béo phì không khuyến khích để tăng cân.
Những bà bầu gầy yếu cần phải cố gắng ăn nhiều các chất bổ dưỡng, giàu đạm và protein để bù lại sự thiếu hụt của cơ thể. Nếu bị nghén và chán ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa, và ăn bất cứ món gì có thể ăn được. Ví dụ ngán cơm có thể thay thế bằng mì gói, bánh mì, bánh bích quy, bánh bột lọc. Nếu không chịu được mùi cá thì cố gắng ăn thịt, trứng và uống sữa. Nếu không uống được sữa bà bầu thì cố gắng uống bất kỳ loại sữa nào bạn có thể uống được như sữa tươi, sữa đậu nành…
Ngoài ra, để tránh táo bón và thiếu vitamin, các bà bầu cũng nên chú trọng đến những thực phẩm giàu chất xơ đồng thời uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. Nếu cấn thai vào mùa hè, có thể uống nhiều hơn. Không nên nhịn khát. Hãy luôn có 1 ly nước hoặc chai nước bên cạnh để uống khi cần.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trong bữa ăn của bà mẹ mang thai 3 tháng đầu cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: gluxid (gạo, mì, ngô, khoai, sắn…); lipid ( dầu, mỡ, lạc, vừng…); protein ( thịt, cá, trứng, đậu đỗ…); vitamin, khoáng chất và chất xơ ( quả chín và rau xanh).
Đặc biệt, trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên ưu tiên bổ sung thực phẩm axit folic. Axit folic bổ sung trước khi mang thai từ 3-6 tháng và trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh như tật nứt đột sống cho thai nhi. Axit folic cũng là loại vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng của tế bào B và cơ quan sinh sản. Chính vì thế, mẹ bầu nên bổ sung từ 400-600mcg axit folic trong 3 tháng đầu tiên. Những thực phẩm giàu dưỡng chất này bao gồm cam, khoai tây, bông cải xanh, măng tây, trứng, đậu, rau lá xanh thẫm
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần duy trì mức năng lượng mỗi ngày như bình thường:
– Chất đạm (protein): Mẹ bầu cần bổ sung thêm 10-18g protein mỗi ngày (tương đương 50-10 gr thịt cá tùy loại, 100-180gr đậu hũ, hay 1-2 ly sữa mỗi ngày). Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ… giúp phát triển các tế bào mô của thai (bao gồm cả tế bào não), giúp cho tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển suốt thai kỳ, đồng thời tăng thể tích tuần hoàn của mẹ.
– Vitamin B12: Sự thiếu hụt vitamin B12 trong giai đoạn đầu của thai kỳ cũng là nguyên nhân gây nên những dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh. Theo đó, nguy cơ dị tật thai nhi sẽ tăng gấp 2,3 lần nếu nồng độ vitamin B12 trong máu của mẹ bầu thấp hơn 250ng/L.
– Sắt: Để giảm tình trạng thiếu máu, và giúp quá trình cung cấp ô-xy từ mẹ đến thai nhi diễn ra tốt hơn, bổ sung sắt khi mang thai là điều không thể thiếu. Theo các chuyên gia, bầu nên bổ sung ít nhất 27 mg sắt mỗi ngày trong 3 tháng đầu, và cố gắng duy trì suốt 9 tháng mang thai.
– Vitamin D (có nhiều trong trứng, sữa và ánh nắng mặt trời…): Ngay từ trong bào thai, bé cần phát triển hệ xương và hình thành mầm răng sữa, vì vậy ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều canxi, người mẹ phải kết hợp phơi nắng để tăng cường vitamin D giúp hấp thu canxi tối ưu.
**Tuy nhiên mẹ cần biết rằng có những loại thực phẩm nên hạn chế hoặc tuyệt đối không ăn để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Đó là:**
**Thực phẩm gây co thắt tử cung**
Một số loại thực phẩm được cảnh báo là nếu ăn nhiều sẽ gây co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai như dứa, cam thảo, đu đủ xanh… mẹ bầu cần tránh trong tháng đầu mang thai.
**Hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao**
Các loại hải sản có chứa hàm lượng thủy ngân cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi nên mẹ bầu cần hạn chế ăn. Mẹ nên chọn những loại tôm, cua, cá… nước ngọt để bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Các loại hải sản có chứa hàm lượng thủy ngân cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
**Pho mát mềm**
Pho mát mềm có thể được làm từ những loại sữa chưa được tiệt trùng nên có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm các vi khuẩn có hại. Mẹ bầu cũng tuyệt đối tránh những loại sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.
**Thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn**
Trong tháng đầu mang thai, chị em bầu cũng nên hạn chế sử dụng những loại thực phẩm được chế biến, đóng gói sẵn như nước ép, sữa đặc có đường… vì chúng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Thay vào đó hãy tự chế biến nước ép với trái cây tươi ngay tại nhà.
**Chất kích thích**
Bà bầu cũng được khuyên nên bỏ ngay thuốc lá, rượu bia và đồ uống chứa caffeine, nước ngọt có ga… trước và trong thai kỳ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt nhất.